Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử có vai trò hết sức quan trọng. Là môn học giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Trong đó, chương trình “Lịch sử địa phương” giữ vai trò đặc biệt khi truyền tải những nội dung không chỉ đơn thuần về lịch sử mà còn bao gồm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương nhất định. Nhận thấy được tầm quan trong trong việc giáo dục môn lịch sử nói chung và chương trình lịch sử địa phương nói riêng, các trường học đã đẩy mạnh việc giảng dạy kết hợp với các cơ quan, ban quản lý di tích, bảo tàng… giúp học sinh tiếp cận rõ ràng hơn về môn học. Có thể kể đến là công tác giáo dục lịch sử địa phương tại bảo tàng tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ IV đã chỉ ra: “Công tác bảo tồn, bảo tàng có tác dụng giáo dục sâu sắc cho quần chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình cảm cách mạng trong sáng”. Một lần nữa đã khẳng định vai trò của bảo tàng trong việc giáo dục lịch sử địa phương. Bảo tàng tỉnh Bình Dương là một trong những bảo tàng lớn của tỉnh Bình Dương. Được hình thành từ năm 1976, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương. Sau thời gian thu thập tư liệu, hiện vật đến tháng 11/1997 được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xây dựng Bảo tàng Bình Dương, tọa lạc tại số 565 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bảo tàng tỉnh Bình Dương cũng giống như các bảo tàng khác chứa đựng trong nó những chức năng cơ bản như: lưu giữ, bảo quản, trưng bày,…và đặc biệt là chức năng giáo dục. Bảo tàng tỉnh hiện có 4 không gian trưng bày, bao gồm 8 chủ đề chính đã gần như tái hiện một cách sinh động về lịch sử phát triển đất và người Bình Dương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử:
Lịch sử tự nhiên Bình Dương
Bình Dương thời tiền sử đến thế kỷ thứ XVI.
Bình Dương thời kỳ khai phá lập làng.
Cộng đồng văn hóa các dân tộc.
Bình Dương trong thời thuộc Pháp,kháng Pháp.
Bình Dương trong thời kỳ chống Mỹ.
Bình Dương trên đường hội nhập và phát triển.
Ngành nghề truyền thống ở tỉnh Bình Dương.
Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều đợt đi sưu tầm hiện vật ở cơ sở và đã đạt được những kết quả rất khả quan, có vai trò quan trọng trong việc định hình nghiên cứu và giáo dục lịch sử địa phương. Cụ thể là năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu KCH (Viện KHXH tại TP.HCM) phối hợp với bảo tàng tỉnh tiến hành khai quật di tích Cù lao Rùa (từ 2/5/2003 đến 10/6/2003). Và tại di tích Mỹ Lộc (ấp 2, Tân Mỹ, Tân Uyên), đây là những phát hiện mới và quan trọng trong việc xác lập lịch sử phát triển của miền Đông Nam bộ nói chung và tiền sử Bình Dương nói riêng mà các cuộc khai quật khảo cổ học trước đây chưa phát hiện được. Với người dân Bình Dương nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, bảo tàng tỉnh là nơi giúp họ có điều kiện tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn về lịch sử phát triển của quê hương mình; hiểu biết hơn về những truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, cũng như những nền văn hóa từng là nơi cư trú của người Việt cổ trên đất Bình Dương, như: Di chỉ Vườn Dũ, Dốc Chùa, Phú Chánh… Qua đó, Bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ học sinh về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, hiểu hơn về truyền thống các ngành nghề, các thời kỳ phát triển… để kế thừa, tiếp nối và để có thái độ ứng xử đúng trong thời kỳ hội nhập.
Các hình thức giáo dục tại bảo tàng Bình Dương hiện tại gồm hai dạng: Giáo dục trực tiếp tại bảo tàng và giáo dục ngoài bảo tàng.
Bảo tàng Bình Dương thuộc loại hình bảo tàng Khảo cứu địa phương, giới thiệu về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương, có vai trò rất lớn trong việc truyền thụ kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào về quê hương, về đất nước, về các thế hệ anh hùng… cho người xem đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Hàng năm bảo tàng đón tiếp hàng chục ngàn khách tham quan trong và ngoài nước, để có được kết quả đó, đội ngũ cán bộ bảo tàng không ngừng lao động sáng tạo. Một trong những công việc quan trọng mà bảo tàng luôn chú trọng về chất lượng là tuyên truyền giáo dục, bảo tàng Bình Dương đã tổ chức thực hiện nhiều hình thức hiệu quả.
Ngoài công tác thuyết minh bảo tàng còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục khác: Nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, Bảo tàng tổ chức triển lãm tại chỗ theo từng chuyên đề, phối hợp liên kết với những bảo tàng khác trong nước phát triển các hình thức giáo dục. Xây dựng bộ triển lãm lưu động, theo phương pháp hiện đại, đẹp, gọn nhẹ, thuận tiện phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, các cơ quan, xí nghiệp không có điều kiện đến với Bảo tàng. Tiêu biểu tổ chức triển lãm ảnh “Tình yêu trong chiến tranh” tại huyện Phú Giáo thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Thiết lập trang Web quảng bá, giới thiệu về bảo tàng Bình Dương.
Như vậy, Bảo tàng tỉnh Bình Dương thể hiện rõ vai trò là không gian giúp mọi người trải nghiệm, học tập, rèn luyện với nội dung trưng bày bảo tàng vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên. Để thực hiện tốt công tác giáo dục, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của bảo tàng Bình Dương trong đời sống xã hội, để bảo tàng thật sự hấp dẫn, thu hút ngày một đông hơn khách tham quan, các bảo tàng cần không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Tin tưởng trong tương lai, hoạt động giáo dục lịch sử địa phương của Bảo tàng tỉnh Bình Dương sẽ phát triển hơn nữa, vai trò của môn Lịch sử cũng được nâng cao./.
GV Hữu Phước
Tài liệu tham khảo.
- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1997), Sự nghiệp bảo tàng những vấn đề cấp thiết, Nxb Lao động, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Huệ (2008), Cơ sở bảo tàng học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
- Phạm Viết Vượng (2000), Giáo dục học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
- 4. GS,TS. Phan Xuân Biên (cb- 2010) Địa chí Bình Dương- quyển 1, Nxb chính trị quốc gia Hà Nội.
- 5. GS,TS. Phan Xuân Biên (cb- 2010) Địa chí Bình Dương- quyển 4, Nxb chính trị quốc gia Hà Nội.