TẢN MẠN MÙA HIẾN CHƯƠNG

Lại một mùa hiến chương nữa về bên mái trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, 20/11 hàng năm là lễ kỉ niệm, cũng là ngày truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh các thầy cô giáo. Đó không chỉ là ngày lễ của một ngành nghề, của riêng các thầy cô giáo mà đã trở thành ngày vui chung, ngày toàn xã hội tôn vinh sự học, tôn vinh những người dạy chữ, dạy nghề, là ngày để mọi người hướng về các thầy cô giáo, bày tỏ lòng tri ân với những người ươm mầm tri thức. 

          Trải qua nhiều thời kỳ của đất nước nghề dạy học luôn được xã hội tôn trọng       “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, tục ngữ dạy “Không thầy đố mày làm nên”…. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta xác định Giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì thế vị trí của người thầy càng được tôn vinh. “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy làm người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.”

           Truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc từ bao đời nay sẽ không thay đổi, nhưng trong xu thế hội nhập hiện nay, những yêu cầu của xã hội tăng lên rất nhiều, việc nhà giáo phải tự đổi mới mình là một yêu cầu thiết yếu. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có bản lĩnh, vừa giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề cao quý vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, về nghiệp vụ sư phạm sao cho phù hợp. Điều đó thể hiện ở hành vi, thái độ, lời nói, việc làm của nhà giáo đều là tấm gương phản ánh nhiều chiều nên chúng tôi – những người đứng trên bục giảng hiểu và luôn tâm niệm cần phải tự trau dồi và nâng cao phẩm chất năng lực dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào để góp phần vào sự nghiệp “trồng người”.

                  Ở bất kỳ xã hội nào, vị trí của người thầy luôn được đề cao, những hoạt động của giáo dục luôn trở thành tâm điểm của toàn xã hội. Bởi vậy, thật không vui khi còn có những câu chuyện buồn về sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo hay những hành vi làm tổn thương nghiêm trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Không ít lần chúng ta nghe đến trào lưu chọn nghề nghiệp trong giới trẻ hiện nay, những ý kiến trái chiều của dư luận trong những lần đổi mới, thay sách SGK, giảm tải chương trình, nạn bạo lực học đường, . . .làm nhà giáo chúng ta phải băn khoăn, trăn trở. Vì vậy, người thầy hiện nay không chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mà còn phải sống có lý tưởng, có bản lĩnh, có niềm tin để vững vàng bám trường, bám lớp.

          Khi đến với nghề sư phạm đã có lúc chúng tôi cảm thấy công việc này thật khó khăn, vất vả, nhưng rồi được sự động viên khích lệ của các thế hệ đi trước, của các bạn đồng nghiệp, quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền tập thể sư phạm nhà trường nên lại có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu. Thời gian trôi qua, chúng tôi lại thấy vui hơn khi hàng năm có lớp lớp học sinh đạt kết quả cao và tự tin bước vào cuộc sống, chúng tôi hiểu rằng mình là một nấc thang trên bước đường đi tới vinh quang của các em, tự hào vì mình được xem là “người kiến tạo tương lai”, là “Người đưa đò” không mệt mỏi qua năm tháng.

          Trong không khí của mùa hiến chương, những mong nhớ, nuối tiếc về thời áo trắng đã qua, những kỷ niệm về thầy cô, bạn bè đã đi vào tiềm thức và trở thành những dấu ấn không thể phai mờ… Ngày 20-11 cũng là ngày thầy cô giáo chúng tôi đón nhận tình cảm của toàn xã hội, tình cảm chân thành của học trò, những ánh nhìn trong sáng, những câu nói vô tư, quan tâm giản đơn “cô có cần em mang phụ ba lô không” đủ để thấy ấm lòng, để chúng tôi quên đi bao mệt mỏi của bộn bề công việc, những lo toan trong cuộc sống đời thường, tiếp thêm nguồn động viên, để gắn bó, để ràng buộc mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý mà xã hội đã trao tặng.

       Nhân mùa hiến chương về, xin kính gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo, đồng nghiệp. Kính chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp cao cả mà các thầy cô đã lựa chọn gắn bó và cống hiến./.

                                                                                                           

Cô Lý Thị Minh Hòa – GV Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *