GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY BỘ MÔN GDCD 12 – CÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT

GIẢI PHÁP GÓP PHẦN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY

BỘ MÔN GDCD 12 – CÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT

   1/ Hiện trạng:

    Những năm gần đây môn GDCD được đưa vào tổ hợp môn KHXH trong kì thi tốt nghiệp THPT với hình thức thi trắc nghiệm.

     Vậy vấn đề dặt ra ở đây là chúng ta những người làm công tác giáo dục đặc biệt là giáo viên dạy bộ môn GDCD phải dạy như thế nào để học sinh có thể hiểu bài, khắc sâu kiến thức và làm được bài tập trắc nghiệm khách quan (TNKQ) chứ không phải tiếp thu bài một cách thụ động sau đó học thuộc lòng lý thuyết để trả lời câu hỏi tự luận như trước đây.

     Với câu hỏi TNKQ gồm 3 mức dộ nhận biết; thông hiểu và vận dụng. Vậy nên việc truyền tải kiến thức để học sinh có thể làm được tất cả các câu hỏi TNKQ là việc không dễ dàng đối với giáo viên.

      Thực hiện hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học phổ thông môn giáo dục công dân (Kèm theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT) đa số nội dung các bài học trong chương trình GDCD nói chung và GDCD lớp 12 nói riêng đều là hướng dẫn học sinh tự học, khuyến khích học sinh tự học.

  2/ Giải pháp:

     Để góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy cũng như chất lượng bộ môn GDCD đồng thời phát huy tính tích cực chủ động tiếp thu kiến thức của học sinh thì giáo viên phải lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm bộ môn mình phụ trách cũng như đặc trưng từng bài học và đối tượng học sinh.

      Có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực cũng như kĩ thuật dạy học tích cực mà các thầy cô đã áp dụng như:

STT Phương pháp dạy học tích cực STT Kĩ thuật dạy học tích cực
1 Phương pháp dạy học nhóm 1 Kỹ thuật chia nhóm
2 Phương pháp động não 2 Kỹ thuật khăn trải bàn
3 Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình 3 Kỹ thuật giao nhiệm vụ
4 Phương pháp đóng vai và giải quyết tình huống 4 Kỹ thuật đặt câu hỏi
5 Phương pháp trò chơi 5 Kỹ thuật phòng tranh
6 Phương pháp dạy học theo dự án (Phương pháp dự án) 6 Kỹ thuật “Hỏi chuyên gia”
7 Phương pháp dạy học qua trải nghiệm và khám phá 7 Kỹ thuật Mindmap (kỹ thuật bản đồ tư duy)
    8 Kỹ thuật “Trình bày một phút”

 

    Những năm qua nhóm GVBM GDCD của Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ cũng thường xuyên nghiên cứu lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc trưng bộ môn và đặc điểm học sinh của trường qua từng bài dạy, từng tiết dạy. Thực tế cho thấy không có một phương pháp dạy học nào là vạn năng và tối ưu, hoàn hảo cả. Do đó giáo viên phải vận dụng phối hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học trong một tiết dạy hoặc một bài dạy để phát huy tính tính cực và chủ động của người học.

   Tùy nội dung bài học, đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường mà có thể  vận dụng kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học như: dạy học hợp tác (dạy học nhóm), dạy học giải quyết vấn đề, dạy học khám phá, dạy học dựa trên dự án và các kĩ thuật dạy học như: kĩ thuật bản đồ tư duy, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật mảnh ghép, kĩ thuật phòng tranh để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy ở bộ môn GDCD 12.

     Ví dụ: Khi dạy bài 6 môn GDCD 12 ta có thể kết hợp phương pháp dạy học nhóm với phương pháp thuyết trình, vấn đáp và kĩ thuật Mindmap (kĩ thuật bản đồ tư duy) giúp nâng cao kết quả học tập cho học sinh.

          Nội dung bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản- GDCD 12 gồm 5 quyền tự do cơ bản và được chia làm 4 tiết dạy như sau:

  • Quyền bất khả xâm phạm về thân thể (tiết 1)
  • Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (tiết 2).
  • Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (tiết 3)
  • Quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tính cùng với quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm của công dân trong việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản (tiết 4)

    Khi dạy bài này giáo viên chia lớp thành 4 nhóm và giao cho các nhóm nội dung nghiên cứu bài học và vẽ sơ đồ tư duy theo nhóm. Giáo viên chú ý quy định thời gian vẽ sơ đồ tư duy, thời gian thuyết trình, vấn đáp rõ ràng.

Kết thúc thời gian vẽ sơ đồ tư duy thì giáo viên bốc thăm ngẫu nhiên bất kì học sinh nào trong nhóm lên thuyết trình (không cho cử đại diện) và các nhóm còn lại đặt câu hỏi phát vấn nhóm thuyết trình để tăng tính thi đua giữa các nhóm (nhóm nào đặt câu hỏi hay thì sẽ có điểm cộng và nhóm thuyết trình không trả lời được thì sẽ bị điểm trừ. Điều này cũng giúp học sinh ở các nhóm nghiên cứu và theo dõi nội dung cả bài học để thi đua (lấy điểm cộng và tránh bị điểm trừ) chứ không chỉ tìm hiểu riêng nội dung nhóm mình phụ trách. (Giáo viên cũng cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi để hỏi học sinh nhóm thuyết trình phòng khi các em học sinh thuộc các nhóm còn lại không biết đặt câu hỏi). Do thời gian một tiết học có hạn nên chỉ cần một bạn thuộc nhóm nào đó thuyết trình còn các nhóm còn lại chỉ trình bày nội dung bản đồ tư duy lên bảng rồi theo dõi, so sánh, nghiên cứu bài học và đặt câu hỏi phát vấn nhóm thuyết trình để khai thác hết nội dung kiến thức bài học.

Học sinh nghiên cứu bài học và vẽ bản đồ tư duy


Kết hợp kĩ thuật phòng tranh và thuyết trình nội dung bài học

Sau phần thuyết trình của mỗi nhóm thì giáo viên chốt nội dung kiến thức và để các em tự đánh giá kết quả bài thuyết trình của mình, các nhóm còn lại nhận xét đánh giá và cuối cùng là giáo viên đánh giá.

Kết thúc phần thuyết trình của cả 4 nhóm giáo viên cho các em trưng bày sản phẩm của cả 4 nhóm và hệ thống hóa kiến thức cả bài bằng sơ đồ tư duy để các em khắc sâu kiến thức bài học một cách hệ thống. Giáo viên cũng cần làm rõ trọng tâm kiến thức của mỗi bài học để học sinh xác định được các từ khóa  khi làm bài tập trắc nghiệm khách quan và lựa chọn được đáp án đúng nhất trong các đáp án đã cho.    

Cuối mỗi giờ dạy giáo viên nên củng cố kiến thức bằng vài câu hỏi trắc nghiệm khách quan đảm bảo các mức độ kiến thức: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng để đánh giá được khả năng tiếp thu bài của cá nhân học sinh trong lớp.

3/ Kết luận:

     Với việc vận dụng kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học và các kĩ thuật dạy học sẽ đảm bảo yêu cầu dạy học lấy học sinh làm trung tâm và thỏa mãn được các đặt trưng của dạy học tích cực như:

 – Dạy học thông qua các hoạt động của học sinh.

 – Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học.

 – Tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác.

 – Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.

    Qua việc vận dụng kết hợp đa dạng phương pháp dạy học và kĩ thuật dạy học không chỉ đáp ứng được yêu cầu phát huy tính tích cực chủ động của người học mà còn rèn luyện được rất nhiều các kĩ năng cho học sinh như: kĩ năng hợp tác, kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tư duy phê phán, … và đặc biệt nhất là giúp học sinh hiểu nội dung bài học một cách dễ dàng, có hệ thống, tự học và chủ động nắm được kiến thức trọng tâm thông qua cách trình bày ngắn gọn trên bản đồ tư duy từ đó giúp kết quả học tập của học sinh được nâng cao hơn. Việc kết hợp các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực này góp phần loại bỏ cách tiếp thu kiến thức thụ động, máy móc như các phương pháp dạy học truyền thống trước đây.

                                                                  Tân Uyên, ngày 23 tháng 3 năm 2022

                                                                     Người viết

 

 

                                                                      Nguyễn Thị Thu Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *