TINH THẦN “NHỚ BẮC” VÀ SỨ MỆNH TIẾP BIẾN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
TRONG THỜI KÌ 4.0 CỦA TRƯỜNG THPT HUỲNH VĂN NGHỆ
NGUYỄN LƯU HOÀNG HỮU DUYÊN
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
(Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ)
Anh hùng Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là người chiến sĩ quả cảm mà còn là một nhà thơ tài hoa. Dấu chân anh dũng của người lính cụ Hồ đã hằn dấu sâu đậm suốt chiều dài non nước Nam Bộ. Dấu chân người lính “máu hòa lệ mực” luôn đồng hành cùng dấu ấn thơ ca bi tráng, đời hào hùng trộn lẫn hồn hào hoa, lời trái tim đồng vọng cùng lời dân tộc trải dài những trang thơ mộc mạc, dào dạt cảm xúc. “Nhớ Bắc” là tuyên ngôn thơ của Huỳnh Văn Nghệ, những câu thơ hào sảng đã minh chứng cho bút lực phi thường và tài năng nghệ thuật xuất sắc của ông. Bài thơ là lời tự sự về chính những khao khát được một lần đặt chân đến mảnh đất rồng chầu hổ phục – cố đô Thăng Long xưa, nay là thủ đô Hà Nội, trái tim của đất nước Việt Nam nghìn đời. Những giá trị văn hóa – lịch sử được nhà thơ gợi nhắc lại càng làm thắm thiết tình cảm sâu nặng hai miền Nam – Bắc. Hình ảnh sóng đôi, giữa những miền không – thời gian miên viễn, giữa quá khứ và thực tại, giữa đất Bắc và trời Nam:
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Khoảng cách địa lí không làm trái tim những người con miền Nam như Huỳnh Văn Nghệ xa cách với thủ đô Hà Nội. Những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hóa hai miền Nam – Bắc được khắc họa tinh tế, tỉ mỉ. Tưởng chừng, chúng có thể nghe vang vọng bên tai câu hát quan họ Bắc Ninh da diết, lời dạ cổ Bạc Liêu não nuột, hít hà được mùi hương sầu riêng Nam Bộ, nếm được hậu vị ngọt ngào của vải thiều Bắc Giang. Thơ có tình, có thần hồn, đong đầy tình cảm mà cũng ngập tràn hào khí. Bài thơ không chỉ bày tỏ tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ nhung và niềm khát khao cháy bỏng một lần được đến Hà Nội của Huỳnh Văn Nghệ, mà đó là lời nhắc nhở chúng ta về nguồn cội, bản sắc, văn hóa dân tộc.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta
Văn hóa là sức mạnh tinh thần lớn lao hun đúc nên ý chí, nghị lực kiên cường cho dân tộc Việt Nam vượt qua bao gian nan, thử thách suốt 4000 năm. Quá trình kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước phải phải song hành cùng con đường giữ gìn, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa quốc gia. Ông bà từng dạy “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, văn hóa, truyền thống sẽ là cơ sở quan trọng để xác định nguồn gốc, bản sắc, trách nghiệm và nghĩa vụ của mỗi người với cộng đồng, quốc gia, đồng thời mang lại giá trị pháp lí không thể chối cãi được để chúng ta tuyên ngôn độc lập, khẳng định chủ quyền. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ lịch sử, trân quý, gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống. Ông bà xưa từng dạy “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”, Bác Hồ không quên dặn dò thanh niên “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh trước toàn Đảng, toàn dân rằng “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Suốt chiều dài lịch sử và văn học Việt Nam, đặc biệt là trong những giai đoạn Việt Nam bị các nước thực dân, đế quốc đô hộ và đồng hóa, lòng yêu nước, căm thù giặc và ý thức giữ gìn văn hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là 18 đời vua Hùng Vương lập quốc, Hai Bà Trưng ra trận “đền nợ nước, trả thù nhà”, Bà Triệu “cưỡi voi đánh cồng”, này Ngô Quyền cắm cọc trên Bạch Đằng giang, kia là Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, Lý Thường Kiệt với thơ thần “Nam quốc sơn hà”, Trần Hưng Đạo với “Hịch tướng sĩ”, là Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo” thiên cổ hùng văn; Nguyễn Du “viết Kiều đất nước hóa thành văn”; ta lại như thấy Quang Trung “Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc”,. . . Lịch sử không bao giờ dừng lại và văn hóa là sợi chỉ đỏ kết nối cuộc đời và tâm hồn của dân tộc:
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
(Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm)
Đặc biệt, trong giai đoạn giao lưu, hội nhập mạnh mẽ như hiện tại, các vấn đề “hòa nhập nhưng không hòa tan” văn hóa càng trở nên cấp thiết. Văn hóa vừa mở ra cơ hội phát triển vừa là thử thách bản lĩnh, ý chí vững vàng của con người và quốc gia. Tiếp nối mục tiêu giáo dục đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được xây dựng trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước và những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.
Với sứ mệnh lớn lao đó, ngôi trường nhỏ với 65 năm lịch sử hình thành, nằm khiêm tốn gần cạnh dòng sông Đồng Nai – ngôi trường vinh hạnh mang tên thi tướng Huỳnh Văn Nghệ mãi luôn nỗ lực phát huy giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người được Đảng và Nhân dân giao phó. Đứng trước những mục tiêu cao cả, thiêng liếng ấy, Nhà trường, giáo viên và Đoàn thanh niên trường THPT Huỳnh Văn Nghệ tổ chức hoạt động dạy và học bám sát đường lối của Đảng, chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục. Những năm qua, Nhà trường đã gặt hái được nhiều thành tích về học tập, thể thao và phong trào thanh niên các cấp. Về Ban giám hiệu, các thầy cô lãnh đạo luôn theo dõi sát sao và cập nhật kịp thời các chủ trương, nghị định, thông báo từ các cấp, linh hoạt đề ra những kế hoạch thiết thực và có hướng dẫn cụ thể đến từng thành viên trong hội đồng sư phạm, nỗ lực tôn vinh và phát huy những truyền thống vẻ vang của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ để lại. Bài học gìn giữ văn hóa còn được giáo viên cụ thể hóa trong từng tiết dạy, thực hành, trải nghiệm, lồng ghép một cách khéo léo vào chương trình chính khóa, nâng cao chất lượng bộ môn Giáo dục địa phương. Về phía Đoàn Thanh niên, Ban chấp hành Đoàn trường liên tục tổ chức các hoạt động về nguồn, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, đạo đức và năng lực đoàn viên, tập huấn kĩ năng, chủ động hỗ trợ các lễ hội dân gian, hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, mở các buổi tọa đàm với sự hướng dẫn của các chuyên gia, tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh tự tin giao lưu và thể hiện quan niệm, tư tưởng của mình về phương diện văn hóa, truyền thống của quê hương, đất nước.
Trường học trở thành một đại gia đình, với sự đồng lòng góp sức của toàn bộ tập thể Huỳnh Văn Nghệ, chúng tôi sẽ còn tiến xa hơn trên con đường phát triển giáo dục, hoàn thành mục tiêu chung của đất nước trong thời đại mới.