GIÁO VIÊN – NHỮNG NGƯỜI HI SINH THẦM LẶNG
Nói đến nghề giáo có lẽ ai trong xã hội cũng đều hô hào: “Đó là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Ai cũng nói, cũng hô như thế nhưng thử hỏi có mấy ai hiểu hết được nghề giáo “cao quý” như thế nào và vì sao lại “cao quý” hay chưa?
Với câu hỏi ấy đa số mọi người sẽ có những câu trả lời đại loại như: vì đó là nghề là nghề truyền dạy kiến thức cho học sinh, đào tạo ra các thế hệ tương lai cho đất nước….. thế nhưng họ không hiểu được, để làm được những điều đó một người giáo viên họ đã phải hi sinh nhiều như thế nào, và đó là những điều mà xã hội ngoài kia không phải ai cũng nhìn thấy được.
Nghề dạy học quả là vinh dự mà cũng thật khó khăn, để có thể gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến và truyền lửa cho các thế hệ học trò là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đầy bộn bề, lo toan. Người thầy dạy học trò của mình đâu chỉ dạy kiến thức, quan trọng hơn là dạy làm người. Vì công lao đó, xã hội đã ví người giáo viên như những người “Kĩ sư tâm hồn” với tình cảm đặc biệt ưu ái và trân trọng họ. Bằng cái tài và cái tâm, người giáo viên đã tạo ra những con người không chỉ có tri thức, hiểu biết, mà còn có một trái tim rộng lớn, bao la. Để có được điều đó, thầy phải hết mực yêu trò, hiểu các em đang nghĩ gì và đang mơ ước những gì… Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, người thầy cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt.
Nghề dạy học nhiều khi dạy những điều chưa có trong sách vở hay giáo án mà dạy bằng tất cả những kinh nghiệm, bài học thầy có trong cuộc sống và truyền tải bằng chính trái tim của mình. Chính vì thế mọi người thường hay ví người thầy giáo như “Người lái đò” chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, chỉ có người lái đò vẫn dõi trông theo. Thầy có thể không nhớ hết trò mình đã dạy nhưng lòng vẫn luôn mong chúng sẽ thật thành công trên bước đường đời, còn trò thì lại nhớ rất rõ thầy cô giáo đã dạy mình nhưng có mấy ai nhớ đến công lao của thầy mà biết ơn, thăm hỏi.
Nghề giáo – nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Trước mặt các em, người thầy luôn phải thật nhập tâm vào bài giảng, thế mới có nhiều người ví người thầy như một “diễn viên trên sâu khấu”, “diễn” chỉ để truyền kiến thức cho các trò một cách trọn vẹn nhất.
Hơn thế nữa, người thầy muốn dạy cho các em kiến thức trước hết thầy phải có kiến thức vững vàng, cũng như vậy, thầy muốn dạy học trò đạo đức làm người, lối sống lành mạnh thì trước hết thầy phải là người có lối sống, đạo đức trong sáng, lành mạnh. Bởi mỗi thầy cô là một tấm gương để học sinh noi theo. Một nhà tư tưởng đã nói: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ. Nhưng một hạt kim cương lớn nhất cũng không thể quý hơn một con người sẽ ra đời. Làm hư một con người là một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”. Do đó, tư cách của người giáo viên vô cùng quan trọng, quan trọng hơn những gì họ dạy rất nhiều.
Kể ra nghe sao nghề giáo thật khó nhưng cũng sẽ rất dễ nếu người thầy có “lòng yêu nghề”, đó giống như là một nguồn năng lượng không bao giờ vơi cạn giúp cho những người thầy dù có khó khăn, gian nan nhưng vẫn có thể vượt qua tất cả để đưa biết bao nhiêu chuyến đò sang sông.
Cuộc đời của một người giáo viên nghe thật lắm chông gai nhưng sao cũng thật đẹp. Và sẽ còn đẹp hơn nữa nếu mỗi người thầy đều có “lòng yêu trẻ” và dạy học bằng trái tim của mình:
“Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim”.
Sự hi sinh, cống hiến của những người thầy tuy rất thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang, như Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
N.T.T.N